Hôm nay:    
 

 
 
 

Thị trường vật liệu xây dựng - Thị trường thép...

+ Thép xây dựng ế ẩm

(Ảnh minh họa)

Nhiều điểm kinh doanh thép xây dựng đang phải bán với giá thấp hơn giá xuất xưởng của hãng thép để cắt lỗ

Cho dù đã vào mùa xây dựng được khoảng 2 tháng nhưng sức tiêu thụ thép hiện vẫn rất yếu. Tiêu thụ không được khiến lượng hàng tồn ở các nhà máy sản xuất thép và các đơn vị kinh doanh đang rất lớn.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến cuối tháng 5, lượng thép thành phẩm tồn kho đã lên đến 500,000 tấn. Còn ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho hay chỉ riêng các doanh nghiệp trong hiệp hội, lượng phôi thép tồn kho cũng đã lên đến 600,000 tấn…

Tuy nhiên, nguồn tin từ các nhà máy sản xuất thép cũng như giới kinh doanh, lượng sắt thép xây dựng tồn kho đến thời điểm này phải từ 1.2 - 1.3 triệu tấn. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ thời gian qua giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các doanh nghiệp sản xuất thép lại kỳ vọng từ tháng 4, khi bước vào mùa xây dựng, sức tiêu thụ thép sẽ tăng cao nên nhiều doanh nghiệp đã tăng công suất.

Hiện các doanh nghiệp thép phải tìm đủ mọi cách để giải phóng hàng, như tăng mức chiết khấu bán hàng thêm 500,000 đồng, thậm chí 900,000 đồng/tấn; kể cả hỗ trợ chi phí vận chuyển, trợ giá cho các công trình xây dựng để lôi kéo khách hàng nhưng vẫn tiêu thụ chậm. Lãnh đạo một doanh nghiệp thép khá lớn tại khu vực TPHCM cho biết đơn vị ông đang phải tìm đủ mọi cách để bán hàng, kể cả tăng thời gian cho trả chậm thêm 3, 4 tuần. Với khách hàng thanh toán bằng tiền mặt sẽ được giảm giá ngay đến cả triệu đồng/tấn. “Khách mua tiền mặt với số lượng lớn thì giá nào cũng phải bán, dù bán lỗ, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng”- vị này than.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó mà giới kinh doanh thép xây dựng cũng đang “đứng ngồi không yên”. Một số chuyên gia ngành thép cho biết trong quý I/2011, sức tiêu thụ thép xây dựng đã tăng đột biến (tăng 40%-50% so với bình thường) nhưng sau đó lại giảm mạnh trở lại. Sở dĩ có hiện tượng này là do giá thép những tháng đầu năm liên tục tăng nên giới kinh doanh thép xây dựng lo ngại giá sẽ tăng tiếp nên đua nhau gom hàng.

Sau đó, do kinh tế khó khăn, Nhà nước có chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng xây dựng nhiều công trình… khiến thị trường rơi vào tình trạng ế ẩm. Hàng ế, giá phôi thép trên thị trường thế giới lại đang vào xu thế giảm khiến giới kinh doanh đang phải tìm đủ mọi cách để tháo hàng, cắt lỗ. Họ chấp nhận bán với giá thấp hơn giá xuất xưởng của hãng thép từ 1 - 1.5 triệu đồng/tấn.

Ông Dũng, một đầu mối chuyên kinh doanh sắt thép xây dựng tại TPHCM, cho hay với lãi suất ngân hàng 22%-24% thì không ai dám “ôm hàng”, vì một tấn thép mỗi tháng phải trả lãi khoảng 400,000 đồng. Cũng theo ông Dũng, những doanh nghiệp lớn đang “ôm” 30,000 - 40,000 tấn thì đã lỗ hàng chục tỉ đồng, còn những cửa hàng “cò con” trữ 200 - 300 tấn cũng phải lỗ cả trăm triệu đồng.

(Nguồn: DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động)

+ Gia tăng nguy cơ thừa thép

Nguồn cung thép hiện tại đã vượt xa cầu.

Sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn và từ nay đến cuối năm 2011 nguy cơ dư thừa sẽ tiếp tục gia tăng, khi một số dự án có công suất từ 250 - 500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động.

Như vậy, cùng với việc mất cân đối cung cầu thì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, xuất khẩu đang được coi là giải pháp khả thi nhằm giải phóng lượng thép dư thừa, nhưng điều này cũng không phải dễ.

Mặc dù, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã liên tục cảnh báo về khả năng dư thừa công suất, nhưng hàng loạt các dự án thép, đặc biệt là các dự án nằm ngoài “vùng phủ sóng” vẫn được cấp phép. Đến nay, tổng công suất sản xuất thép xây dựng (thép thanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ) của cả nước đã đạt 8,99 triệu tấn/năm, trong khi đó, tổng tiêu thụ mới chỉ dừng ở mức 6,32 triệu tấn.

Tình trạng dư thừa công suất không phải đến nay mới đề cập đến mà đã được cảnh báo ngay từ khi Quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007. Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100 nghìn tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng công ty thép Việt Nam quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài).

Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định (những dự án trên 1.500 tỷ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn những dự án dưới 1.500 tỷ đồng phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương).

Dư thừa sản lượng thép xây dựng sẽ không chỉ dừng lại ở con số 2,67 triệu tấn mà tiếp tục được gia tăng trong thời gian tới. Ngay từ tháng 6/2011, dự kiến sẽ có thêm một số dự án đi vào sản xuất với tổng công suất hơn 2 triệu tấn/năm.

Theo ước tính của VSA, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất của cả nước là khoảng 2,21 triệu tấn, tăng 14% (281 nghìn tấn), trong khi đó, tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320 nghìn tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520 nghìn tấn. Như vậy, nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu. Đó là các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50 - 60% công suất thiết kế.

VSA cho biết thêm, trong khi sản lượng thép trong nước đang dư thừa, thì tính đến ngày 15/4/2011 tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đã đạt số lượng 2.631.811 tấn, trong đó, thép cuộn 6, 8 khoảng 113.840 tấn, thép tấm lá đen là 1.039.626 tấn và một số loại thép khác.

Theo VSA, năm 2010, ngành thép đã rất thành công khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 162,92% về lượng và tăng 174,18% về trị giá so với năm 2009. Dẫn đầu là xuất khẩu vào Campuchia với 274,8 nghìn tấn, tiếp đến là Malaysia với 135,7 nghìn tấn, còn lại là các thị trường khác như: Indonesia, Trung Quốc, ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Australia...

Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với 7,1 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Điều đáng nói là Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ không nhiều.

Hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm (không phải phôi hay quặng thô), việc này không những “giải phóng” lượng hàng tồn trong các nhà máy, mà còn cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành.

Tuy nhiên, theo VSA, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam á, Trung Quốc, Australia. Những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao.

Chưa hết, mới đây Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó có thép xây dựng lên 1,3 - 2%, phôi thép 3% với lý do để điều tiết lợi nhuận của các doanh nghiệp thu được nhờ lợi thế giá thấp của một số yếu tố đầu vào, trong đó có giá điện. Tuy nhiên, VSA cho rằng, đề xuất tăng thuế sẽ làm khó cho doanh nghiệp thép trong nước, trên thực tế, trong sản xuất thép, điện chỉ chiếm khoảng 6% chi phí giá thành.

Với tiềm lực của mình, ngành thép trong nước đang có động lực rất tốt cho xuất khẩu. Nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là về chính sách thuế, chắc chắn xuất khẩu của thép Việt Nam sẽ dần tìm được vị trí tương xứng với tiềm năng của mình.

+ Tăng “sức mạnh” cho phôi thép nội

Các doanh nghiệp sản xuất thép đã chủ động hơn về nguồn phôi.

Mặc dù đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được khoảng 70% lượng phôi thép, nhưng vì nhiều lý do nên sức cạnh tranh của phôi nội vẫn chịu nhiều áp lực từ phôi ngoại.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện cả nước có 21 doanh nghiệp sản xuất phôi với tổng công suất trên 6 triệu tấn/năm. Chỉ tính riêng năm 2010 sản lượng phôi đạt 4,314 triệu tấn. Trong thời gian tới, lượng phôi sản xuất trong nước sẽ tiếp tục tăng dần về sản lượng khi các dự án đang triển khai đi vào hoạt động.

Như vậy, từ việc phải nhập khẩu 70 - 80% lượng phôi thép thì đến nay các doanh nghiệp trong ngành thép đã chủ động được gần 70% nhu cầu phôi bảo đảm cung cấp đủ cho cán thép trong nước. Từ năm 2005 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất phôi như Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel), Việt ý, Thép Việt. Đây là những doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại (được nhập từ các nước công nghiệp hiện đại G7, G8) nên chất lượng sản phẩm không thua kém nước ngoài. Những nhà máy sản xuất phôi này đều có công suất lớn khoảng 500 nghìn tấn phôi/năm.

Như vậy, nguồn cung phôi nội không thiếu song trong năm 2010 Việt Nam vẫn nhập khẩu 30% lượng phôi. Theo số liệu thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2011, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt số lượng 2.631.811 tấn, trong đó phôi thép chiếm 319 nghìn tấn.

Lý giải về điều này VSA cho biết, mặc dù công suất sản xuất phôi thép trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất thép nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, nhất là các công ty liên doanh vẫn chọn cách nhập khẩu phôi thép cho sản xuất và lượng phôi thép nhập khẩu vẫn chiếm khoảng 30%.

Nguyên nhân không chỉ do giá phôi thép trong nước nhiều lúc cao hơn giá phôi thép nhập khẩu mà còn do chất lượng phôi thép sản xuất trong nước chưa thể sánh được với phôi thép nhập khẩu. Hiện chỉ có khoảng 50% lượng phôi thép sản xuất trong nước theo công nghệ tiên tiến là đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất thép.

Thêm vào đó, giai đoạn mới triển khai nhà máy do công nhân chưa làm chủ được công nghệ nên chất lượng phôi chưa đảm bảo. Điều này cũng khiến nhà sản xuất thép chưa đặt niềm tin hoàn toàn vào phôi nội. Vì thế, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa mạnh dạn sử dụng phôi trong nước.

VSA cho rằng, để kích cầu tiêu dùng phôi thép trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu thị trường, đồng thời hạn chế nhập khẩu phôi thép nhằm tiết kiệm ngoại tệ và thời gian, chi phí vận chuyển, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ sản xuất tiên tiến để cho ra sản phẩm phôi thép Việt Nam chất lượng cao, tạo niềm tin tiêu dùng cho nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, vào những thời điểm giá phôi thép biến động mạnh, cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh giá phôi thép bởi hiện nay mức thuế nhập khẩu phôi thép vẫn là 7%. Hơn thế nữa, sử dụng phôi nội doanh nghiệp sẽ có lợi thế về tỷ giá ngoại tệ, chi phí vận chuyển, lưu kho so với mua phôi ngoại.

Doanh nghiệp có thể mua ngắn hạn theo tháng chứ không bị ràng buộc mua theo quý và phải đợi vài tháng phôi mới về đến nhà máy. Ngoài ra doanh nghiệp sẽ được thêm một cái lợi do quay vòng vốn nhanh hơn và không phải chịu thiệt khi giá phôi giữa các quý chênh nhau quá lớn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tất cả các dự án sản xuất phôi thép đều phụ thuộc vào nguồn thép phế, trong khi, nguồn thép phế trong nước ngày càng cạn kiệt. Theo VSA, với việc đưa các dự án phôi thép mới vào hoạt động, mỗi năm ngành thép cần từ 1,5 đến 2 triệu tấn thép phế phục vụ sản xuất và lượng thép phế này sẽ phải nhập khẩu hoàn toàn. Trong khi đó, giá thép phế trên thị trường thế giới cũng lên xuống theo giá phôi.

Kinh nghiệm từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cho thấy khi có biến động về giá phôi thì nguồn thép phế nhập khẩu cũng trở nên khó khăn hơn. Một khó khăn nữa trong việc nhập khẩu thép phế là Việt Nam có rất ít cảng nước sâu để đón tàu trọng tải lớn, trong khi đó thép phế cần phải nhập số lượng lớn mới có hiệu quả. Do vậy, mặc dù việc đưa các dự án phôi vào hoạt động sẽ giúp ngành thép chủ động hơn về nguồn phôi trong sản xuất nhưng tình hình vẫn chưa thể khả quan ngay được.

Theo các chuyên gia trong ngành luyện kim, để ngành thép phát triển ổn định, bền vững và không phụ thuộc vào thị trường thế giới, giải pháp tốt nhất hiện nay vẫn là đầu tư đúng mức, có trọng điểm vào các dự án khai thác mỏ, các dự án sản xuất phôi từ quặng, tránh đầu tư dàn trải, đặc biệt là chấm dứt đầu tư các dự án cán thép không đi liền với dây chuyền sản xuất phôi.

+ Thị trường thép bấp bênh với khủng hoảng thừa

Cuộc khủng hoảng thừa hiện nay phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối của ngành thép và đòi hỏi một giải pháp tổng thể, quyết liệt nếu muốn ngăn chặn đà khủng hoảng đang bắt đầu.

Đến thời điểm hiện tại, không còn dừng ở nguy cơ nữa mà cuộc khủng hoảng thừa đang thực sự diễn ra đối với thị trường thép Việt - một thị trường ngành có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển chung của cả nền kinh tế.

Những con số đáng ngại

Hiện tại sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn và con số này sẽ không dừng lại mà tiếp tục được gia tăng trong thời gian tới khi một số dự án có công suất từ 250 - 500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động. Cụ thể sẽ có thêm 9 dự án trong ngành thép đi vào hoạt động trong năm 2011 và 4 dự án khác vào năm 2012, trong đó có không ít dự án sản xuất thép xây dựng, khiến quan hệ cung cầu mặt hàng này càng trở nên mất cân đối. Chẳng hạn như dự án của Công ty cổ phần Thép Việt nâng công suất sản xuất thép thanh, thép cuộn lên 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép cuộn cán nguội (thép tấm, thép lá) công suất 200.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Trung (Thái Nguyên), sản phẩm thép cuộn, thép cây, công suất 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Thép miền Trung (Đà Nẵng), công suất 250.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng), chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây có công suất 250.000 tấn/năm...

Cả nước hiện nay đã có 65 dự án sản xuất gang thép công suất trên 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án do Tổng công ty Thép quản lý).

Theo số liệu tổng kết mới nhất của Hiệp hội thép Việt Nam đối với riêng các thành viên Hiệp hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm thì sản xuất thép xây dựng của các công ty thép trong Hiệp Hội tháng 5 đạt 437.689 tấn, so với tháng trước tăng 0,67%, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 23,22%. Lượng thép xây dựng bán của các công ty trong Hiệp Hội tháng 5 đạt 389.712 tấn, so với tháng trước giảm 11,37%, so với cùng kỳ 2010 tăng 37,39%. Tính chung 5 tháng 2011 toàn Hiệp Hội sản xuất được 2.209.163 tấn, so với 5 tháng đầu năm 2010 tăng 14,44%. Lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính tới 31/5/2011 là 402.044 tấn, số lượng thép này đủ gối đầu cho thị trường thép trong nước tháng 6/2011. Tổng lượng phôi thép tồn ở các công ty sản xuất thép cùng với lượng phôi sản xuất trong nước và phôi nhập khẩu về trong tháng 6/2011 là ~ 540.000 tấn, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phôi cho các nhà máy cán trong nước trong tháng 6 và tháng 7/2011.

Thép tấm xây dựng

Như vậy, nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu. Trong khi đó các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50 - 60% công suất thiết kế. Lượng thép sản xuất được mỗi lúc một tăng trong khi lượng tiêu thụ đang chững lại khiến lượng thép xây dựng tồn gia tăng cao. Theo đánh giá của bộ Tài chính, hiện tình hình cung vượt cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Cán cân cung cầu của thị trường thép Việt đã ở vào tình trạng mất cân đối khá nghiêm trọng.

Khủng hoảng thừa tạo áp lực lớn về giá?

Sau hai tháng đầu năm lượng tiêu thụ thép tăng đột biến thì bước vào mùa xây dựng lượng tiêu thụ lại giảm sâu tới hơn 30% trong tháng 3. Trong hai tháng 4 và 5, sàn lượng tiêu thụ đã tăng lên tuy nhiên còn chậm và chưa đúng với tính toán ban đầu. Dự đoán giá thép những tháng 6 và tháng 7 tiếp theo cũng chưa có biến động lớn về giá do nhu cầu thị trường chưa tăng mặc dù đang là mùa xây dựng. Sự ì ạch của thị trường tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung mỗi lúc một dư thừa liệu có tạo ra áp lực về giá đối với mặt hàng này?

Hiện nay về giá thép, trên thị trường tồn tại mâu thuẫn lớn. Giá nguyên liệu sản xuất thép cả ở thị trường thế giới và trong nước đều tăng hoặc ổn định ở mức cao như giá quặng sắt, than cốc, phôi, thép phế và xăng dầu. Trong nước, Chính phủ chủ trương từng bước đưa giá nguyên liệu và năng lượng theo giá thị trường, xóa bỏ bù giá như thời gian trước đây vì thế giá xăng dầu, than và điện sẽ từng bước tăng giá. Tỷ giá ngoại tệ điều chỉnh tăng cao so với giá thị trường, lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại lên trên 20%, làm cho chi phí đầu vào của sản xuất thép tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên và nếu muốn không bị lỗ thì các công ty buộc phải tăng giá. Nhưng những tháng đầu năm 2011, tình hình tiêu thụ thép không thuận lợi, dẫn tới nhu cầu thép sụt giảm, cung vượt cầu quá xa, các doanh nghiệp không thể tăng giá thép được vì càng nâng giá, tiêu thụ thép càng gặp khó khăn. Bên cạnh đó nếu tăng giá sẽ bị thép nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc tràn vào. Đây là vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát cho ngành thép trong bối cảnh khủng hoảng thừa hiện tại.

Đánh giá về mâu thuẫn về giá trong cuộc khủng hoảng thừa hiện tại ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho PV Dothi.net biết thêm: Thực chất tình trạng hiện tại của thị trường thép còn có khả năng tác động sâu sắc hơn, bởi về mặt giá thành, sản phẩm sẽ chỉ giảm giá được đến một mức độ nhất định ngay cả khi thị trường dư thừa sản phẩm bởi giá thép được quyết định phần chính do giá nguyên liệu, giá phôi. Nếu tiếp tục giảm giá để cạnh tranh sẽ khiến doanh nghiệp không chịu nổi lỗ sản xuất, thậm chí phá sản.

Phôi thép tại CTCP Thép Đình Vũ

Cuộc khủng hoảng hiện này đã thực sự nghiêm trọng?

Đối với một nước đang phát triển như nước ta, diễn biến của thị trường thép chịu ảnh hưởng đồng thời cũng tác động chi phối ngược trở lại nhiều vấn đề của nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng thừa hiện nay mới chỉ bắt đầu và chưa có dấu hiệu ngừng lại, vậy nó đã thực sự nghiêm trọng?

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch hiệp hội thép Việt Nam phân tích thêm: Nhìn một cách vĩ mô, dài hạn thì cuộc khủng hoảng thừa hiện nay chưa đáng ngại. Tỉ lệ thép trên đầu người ở nước ta còn thấp đối với một nước công nghiệp. Do đó sự dư thừa hiện nay chỉ là cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy vậy, nhìn một cách ngắn hạn, đối với một thị trường nhỏ như ở nước ta thì cuộc khủng hoảng này sẽ có nhiều tác động sâu sắc và tiềm ẩn nhiều tác động khó lường.

Đặt giả thiết cuộc khủng hoảng dư thừa kéo dài giữ nguyên hiện trạng cứ sản xuất ngày càng nhiều, tốc độ tiêu thụ lẫn xuất khẩu gia tăng chậm không tương ứng, hàng tồn ngày càng nhiều như hiện nay liên tục diễn ra trong thời gian dài thì chắc chắn tác động sẽ không ở mức bắt đầu như hiện nay. Như vậy, mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng mới bắt đầu này còn phụ thuộc vào việc nó sẽ kéo dài đến khi nào. Để giải quyết vấn đề này cần truy tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thừa và có giải pháp giải quyết tích cực.

(Nguồn: choxaydung.vn - Theo dothi)

+ Đi tìm lời giải cho thị trường thép đang bấp bênh

Với thực trạng hiện nay, ngành thép cần bắt đúng những nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng và cần có được những giải pháp hiệu quả.

 Nguyên nhân thực sự là do đâu?

Mỗi khi thị trường thép có dấu hiệu dư thừa về sản lượng thì một vấn đề luôn được quan tâm là liệu có sức ép nào từ thị trường thép ngoại, nhất là thép Trung Quốc và các nước ASEAN lấn át sản phẩm thép nội? Tuy nhiên các số liệu lại cho thấy đó không phải nguyên nhân quan trọng.

Theo số liệu thống kê của Hải Quan, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam tính tới ngày 15/5/2011 đạt hơn 4 triệu tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 3 tỷ USD trong đó:

 

TT

Chủng loại

Số lượng (Tấn)

So với năm 2010

1.

Phôi thép

518.419

79%

2.

Thép Tấm lá đen

- HRC

- CRC

1.418.804

1.054.227

103.177

94%

3.

Thép cuộn f6

155.490

92%

4.

Thép phế

1.028.852

157%

Như thế, thép xây dựng nhập không tăng cao lấn chiếm thị trường thép nội. Trên thực tế, giá thép nội địa và giá thép của các nước ASEAN, Trung Quốc cơ bản gần tương đương nhau. Nếu thép ngoại có lợi về công nghệ sản xuất hay sản xuất hàng loạt thì lại khó khăn hơn do chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, bãi cũng như vấn đề thương hiệu. Do đó, thép nội địa vẫn đang đủ sức cạnh tranh so với thép ngoại. Sự tác động của thép nhập khẩu không tạo nên áp lực lớn cho cuộc khủng hoảng thừa.

Thị trường thép đang bước vào khủng hoảng thừa

Vậy phải chăng, thị trường thép có bước chững lại là do nhu cầu tiêu thụ trong nước gia tăng chậm trong giai đoạn này? Đây chắc chắn là một trong những tác nhân quan trọng đối với thị trường thép Việt. Những biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát và điều chỉnh chính sách tài khóa của Nhà nước theo Nghị quyết 11 của Chính phủ tiếp tục có tác dụng tới thị trường hàng hóa trong nước. Việc cắt giảm đầu tư công, rà soát lại các dự án đầu tư ở Trung Ương và địa phương được tiến hành triệt để hơn. Mặt khác, việc kiểm soát tín dụng, đưa lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay lên cao làm cho nhiều dự án xây dựng nhà ở, chung cư, văn phòng,..bị chững lại; đầu tư bất động sản có xu hướng giảm vì các nhà đầu tư thấy không có hiệu quả và ngân hàng cũng không khuyến khích cho vay đối với các dự án phi sản xuất vì rủi ro cao… Tình hình đó đã ảnh hưởng đến tiêu thụ thép mặc dù đang trong mùa xây dựng.

Ngoài những nguyên nhân trên, một nguyên nhân có gốc gác sâu xa khác đang được nhận diện khá rõ đó là tác động tiêu cực của việc vỡ quy hoạch tổng thể. Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam thì nguyên nhân không đảm bảo được quy hoạch cần được xem như một nguyên nhân quan trọng bậc nhất dẫn tới cuộc khủng hoảng thừa hiện nay. Tình trạng dư thừa công suất không phải đến nay mới được đề cập đến mà đã được cảnh báo ngay từ khi Quy hoạch phát triển ngành thép được ban hành vào năm 2007.

Theo số liệu từ VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100 nghìn tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng công ty thép Việt Nam quản lý). Trong đó có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Đáng lưu ý trong số các dự án trên chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch, chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và không thỏa thuận với Bộ Công Thương theo quy định (những dự án trên 1.500 tỷ đồng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn những dự án dưới 1.500 tỷ đồng phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương).

Cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt

Để ngăn chặn đà khủng hoảng hiện nay, giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay rõ ràng cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt cả trên phương diện vĩ mô và vi mô.

Về phía các doanh nghiệp thép. Theo ông Phạm Chí Cường, các doanh nghiệp rất cần đầu tư hơn nữa cho chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trong và ngoài nước. Đồng thời cần đầu tư lớn, hình thành các liên hợp công nghiệp, nâng cao hiệu suất sản xuất. Đây cũng là cách thức tối ưu để phát triển một cách bền vững bất chấp mọi cuộc khủng hoảng thừa.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép

Hướng đi hiệu quả nhất hiện nay là phải tăng cường xuất khẩu thành phẩm (không phải phôi hay quặng thô), việc làm này không những “giải phóng” lượng hàng tồn trong các nhà máy, mà còn cải thiện chênh lệch xuất nhập khẩu của ngành.

Theo VSA, năm 2010, ngành thép đã rất thành công khi xuất khẩu đạt mức kỷ lục với 1,3 triệu tấn sắt thép các loại, thu về khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 162,92% về lượng và tăng 174,18% về trị giá so với năm 2009. Tuy nhiên, con số này còn quá khiêm tốn so với 7,1 tỷ USD nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan đến thép. Thêm nữa, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu một vài sản phẩm thép, trong đó thép xây dựng chỉ chiếm tỷ lệ không nhiều. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành thép hiện nay.

Tuy nhiên, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia. Những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Đó cũng là lí do khiến các doanh nghiệp ngành thép không tán thành đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng, trong đó có thép mới đây của Bộ tài chính.

Ngoài việc cần tạo điều kiện xuất khẩu thép trong nước ra thị trường Quốc tế, cũng cần có những biện pháp tăng cường giám định đối với thép nhập khẩu, ưu đãi sử dụng thép nội trong các công trình Quốc gia. Chẳng hạn, trước đây trong cơn khủng hoảng của ngành thép Indonesia, Chính phủ nước này đã quy định rõ các dự án Chính phủ phải sử dụng thép trong nước sản xuất, thép nhập khẩu phải tuân theo tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia. Các nước như Malaysia, Thái Lan hiện đều ban hành tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn để cản bớt việc nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ của các nước đang thừa vào nước họ.

Một giải pháp quan trọng thuộc tầm vĩ mô nữa là đã đến lúc cần có sự rà soát, xiết chặt lại quy hoạch và công tác quản lí. Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của cả Luật Đầu tư lẫn Luật Xây dựng. Tuy vậy, trên thực tế công tác trên chưa được thực thi triệt để. Cần có những biện pháp quyết liệt hơn, như : rút giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai theo tiến độ cam kết với những dự án đã cấp phép; tạm dừng cấp phép đối với các dự án thiếu tính bức thiết…

Như vậy, việc có ngăn chặn được cuộc khủng hoảng thừa đang bắt đầu hiện nay của ngành thép hay không phụ thuộc và sự kịp thời của những giải pháp đồng bộ cũng như sự chủ động của mỗi doanh nghiệp.

(Nguồn: choxaydung.vn - Theo dothi)

+ Thị trường thép tiếp tục ổn định

Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, từ nay đến cuối quý III, thị trường thép sẽ tiếp tục ổn định, không có nhiều biến động về giá.

Giá thép 4 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ

Mức tiêu thụ và sản xuất thép của các doanh nghiệp thép trong 2 tháng đầu năm đạt mức cao hơn bình thường. Tuy nhiên, lượng thép đó chủ yếu tồn trữ ở các kho của công ty thương mại, chưa đến được người tiêu thụ hoặc các công trình xây dựng.

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, những biện pháp cắt giảm đầu tư công, đình chỉ số dự án đầu tư không có hiệu quả ở tất cả các địa phương trong cả nước và nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động tài chính và ngân hàng được thực thi đã tác động lên tiêu thụ thép cả nước trong tháng 3/2011. Lượng thép tiêu thụ tháng 3 giảm 30% so với tháng 2.

Sang tháng 4/2011, sản xuất và tiêu thụ thép của cả nước có tăng so với tháng 3, nhưng chưa trở lại mức bình thường.

Tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất 4 tháng đầu năm 2011 là 1,8 triệu tấn (tăng 12,47% so với 4 tháng đầu năm 2010).

Lượng thép xây dựng tiêu thụ của cả nước 4 tháng đầu năm tăng không đáng kể, chỉ đạt 1,7 triệu tấn (tăng 12,30%); tiêu thụ ống thép đạt 195,5 ngàn tấn tăng 10,35%.

Lượng sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu 4 tháng đầu năm 2011 đạt 400,5 ngàn tấn, thép cuộn cán nguội đạt 593.863 tấn,

Lượng tiêu các sản phẩm thép 4 tháng cũng tăng nhe, tiêu thụ tôn mạ và sơn phủ màu đạt 318,9 ngàn tấn, tiêu thụ thép cuộn cán nguội đạt 543,7 ngàn tấn.

Mặc dù giá nguyên liệu thép trên thị trường thế giới những tháng đầu năm 2011 tăng cao, thực hiện chỉ đạo chung của Nhà nước, doanh nghiệp thép đã cố gắng không điều chỉnh cao giá sản phẩm thép.

Tuy nhiên, sang tháng 3/2011, do tiêu thụ thép giảm 30% so với tháng 2, lượng tồn kho sản phẩm thép xây dựng ở các công ty cao hơn mức trung bình các tháng (400.000 tấn) nên giá thép trong tháng 4 ở một số công ty đã giảm khoảng 300.000 – 400.000 đ/tấn và duy trì mức giá đó trong tháng 4 và đầu tháng 5/2011.

4 tháng đầu năm, giá thép bán lẻ trên thị trường phổ biến ở mức 18,1-19,1 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 300.000 đồng/tấn so với các tháng đầu năm 2011.

Không có nhiều biến động về giá đến hết quý III

Tháng 5, lượng tiêu thụ thép ước đạt khoảng hơn 400.000 tấn, giảm so với tháng 4. Giá thép cũng chỉ tăng rất nhẹ từ 100-200.000 đồng/ tấn, phổ biến ở mức 16,1-16,2 triệu đồng/tấn.

Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo mặc dù giá xăng dầu còn biến động, giá than quặng vẫn tăng song do nhiều công trình dự án cũng giãn tiến độ khiến tiêu thụ thép sẽ còn tiếp tục chậm từ nay đến hết quý III.

Dự báo giá thép xây dựng trong một vài tháng tới sẽ không biến động nhiều và có xu hướng giảm vì ngành Thép vẫn trong tình trạng cung vượt cầu và tiêu thụ chậm do tác động của Nghị quyết 11 của Chính phủ và các điều chỉnh kinh tế vĩ mô của Nhà nước.

(Nguồn tin: Chinhphu.vn)

+ Sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng giảm mạnh trong tháng 6

Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, sản xuất và tiêu thụ thép tháng 6 đều giảm mạnh so với tháng 5/2011. Nguyên nhân do đầu tư công bị cắt giảm, lãi suất cao khiến nhiều dự án xây dựng nhà ở, văn phòng bị chững lại.

Cụ thể, sản xuất thép xây dựng trong tháng 6 đạt 330.000 tấn, giảm 24,6% so với tháng 5. Tương tự, tiêu thụ thép trong tháng 6 cũng chỉ đạt 270.000 tấn, giảm 30,7% so với tháng trước đó.

Hiện lượng thép tồn kho thành phẩm là 430.000 tấn, tăng 6,9% so với tháng Năm; phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng Bẩy là 590.000 tấn và đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, cung cầu thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm đều đảm bảo và tiêu thụ đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ bắt đầu giảm từ tháng Năm (giảm 11,4%) và giảm mạnh nhất trong tháng Sáu (giảm 24,6%) do tác động của việc cắt giảm đầu tư công và thị trường bất động sản ảm đạm lâu nay./.

(Nguồn: vinanet.com.vn – Theo Vietnam+)

+ Giá và lượng tiêu thụ thép đều khó tăng trong quý 3

Dẫn nguồn từ TBKTVN cho biết, lượng tiêu thụ thép liên tục sụt giảm trong các tháng gần đây là cơ sở để Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo rằng trong quý 3/2011, sức mua sẽ khó tăng.

Theo Phó chủ tịch VSA, tháng 5/2011, lượng thép tiêu thụ đạt 390.000 tấn. Sang tháng 6 theo ước tính con số này chỉ vào khoảng 270.000 tấn.

Lượng tiêu thụ ở mức thấp khiến các nhà máy hiện đang bán ra phổ biến là từ 15,5 - 16,7 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Về nguyên nhân, VSA nhìn nhận, gần đây Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ đã bắt đầu “ngấm”. Nhiều công trình đầu tư công hiệu quả không cao đã bị cắt giảm. Lãi suất ngân hàng tiếp tục đứng ở mức cao và ngân hàng khá chặt chẽ trong việc cho vay....

Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất thép vẫn tăng 13% và tiêu thụ tăng 9%.
Nhưng bước sang quý 3, VSA dự báo lượng tiêu thụ thép sẽ chỉ dao động quanh mức khoảng 300.000 tấn/tháng do đây là quãng thời gian mưa bão thường xảy ra khiến nhiều công trình có thể phải tạm dừng việc thi công.

Bên cạnh đó, các yếu tố đầu vào chủ yếu như phôi và thép phế trên thị trường thế giới hiện nay cũng đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, phôi thép đang được bán ra ở mức 670 - 690 USD/tấn và thép phế là từ  470 - 490 USD/tấn. Những yếu tố này sẽ khiến giá bán thép trong thời gian tới cũng sẽ “đi ngang” như hiện nay.

(Nguồn: vinanet.com.vn)

 

12/07/2011
Tin khác
Thiết kế nhà bếp nhỏ  (4/15/2013)
Ngắm 4 kiến trúc Việt Nam đoạt giải thế giới  (4/15/2013)
Ý tưởng để hành lang trong nhà ấn tượng hơn  (4/15/2013)
Bài trí căn hộ tầng áp mái "mát mắt", nữ tính cho gia đình nhỏ  (3/19/2012)
Những gam màu tuyệt đẹp cho phòng khách theo 4 mùa  (3/19/2012)
Những xu hướng trang trí nội thất "hot" nhất 2012  (3/19/2012)
Thiết kế góc nhìn đẹp bên cửa sổ  (3/19/2012)
Khu vườn mát mẻ ngày hè  (3/19/2012)
10 màu sơn tường mang sự bình yên cho không gian  (12/30/2011)
Biệt thự ... trăng lưỡi liềm  (11/11/2011)
 

Tìm kiếm

Tên:

Mật khẩu: 

 


                              

Số lượt truy cập: 476271


 
 

Bản quyền thuộc về CÔNG TY TNHH TƯ VẤN THIẾT KẾ XÂY DỰNG BÁCH NGUYÊN

Số 005 Hồng Lạc, P. 10, Q. Tân Bình, TP. HCM

ĐT: (08) 6270 8660 - Fax: (08) 3860 2432